Thực tiễn Nuôi_động_vật_hoang_dã

Hiện nay, tại Việt Nam, các trang trại gây nuôi động vật hoang dã đang phát triển mạnh với khoảng 4.000 cơ sở đã đăng ký ở cả 63 tỉnh, thành phố và có khoảng 1 triệu con thuộc 100 loài đang được nuôi, trong đó có các loài như hươu, nai, lợn rừng, nhím, trăn, cá sấu, khỉ đuôi dàirắn các loại. Tổ chức, cá nhân được nuôi động vật rừng thông thường nhưng phải bảo đảm các điều kiện về bảo đảm nguồn gốc động vật rừng nuôi hợp pháp, bảo đảm an toàn cho con người, thực hiện đúng các quy định về môi trường nuôi nhốt và thú y, thực hiện việc ghi chép sổ theo dõi vật nuôi và phải thông báo cho cơ quan Kiểm lâm trong thời hạn tối đa 3 ngày làm việc, kể từ ngày đưa động vật rừng thông thường về nuôi để theo dõi, quản lý.

Còn như khi động vật rừng quý hiếm đe dọa xâm hại nghiêm trọng tài sản hoặc tính mạng con người thì tổ chức, cá nhân phải áp dụng biện pháp xua đuổi, hạn chế gây tổn thương đến động vật, đồng thời phải báo ngay cho Kiểm lâm hoặc xã hoặc cấp huyện. Trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý hiếm đe dọa tấn công trực tiếp đến tính mạng con người ở ngoài các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, sau khi đã áp dụng các biện pháp xua đuổi nhưng không có hiệu quả, Chủ tịch cấp huyện quyết định, chỉ đạo việc bẫy, bắt, bắn cá thể động vật đó. Tuy vậy ở nhiều địa phương, tình trạng nuôi nhốt động vật hoang dã vì mục đích kinh doanh vẫn còn như nuôi gấu lấy mật phục vụ khách du lịch ở Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, nuôi nhốt gấu ở xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Hành vi nuôi nhốt trái phép các loài động vật hoang dã, quý hiếm có thể bị xử lý hình sự.

Hiện nay, tình trạng sử dụng các cơ sở đăng ký gây nuôi để làm vỏ bọc hợp pháp cho các hành vi buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương. Một số cơ sở gây nuôi động vật hoang dã có quy mô lớn được khảo sát đều có dấu hiệu nhập lậu động vật hoang dã từ tự nhiên ở các mức độ khác nhau. Các đối tượng thường mua động vật hoang dã từ các nguồn bất hợp pháp rồi sau đó chuyển đổi pháp lý từ động vật hoang dã trở thành hợp pháp trước khi được công khai lưu thông trên thị trường. Việc tăng đàn thường được thực hiện bằng cách khai khống số lượng động vật hoang dã được sinh sản và sinh trưởng tại cơ sở và mua bán giấy phép vận chuyển giữa các cơ sở, các cán bộ kiểm lâm cũng không phân biệt được cá thể hợp pháp và bất hợp pháp vô tình tạo nên một thị trường hợp pháp song song với thị trường bất hợp pháp, tạo cơ hội cho các đối tượng săn bắt hổ từ tự nhiên và hợp pháp hóa trong trang trại, thúc đẩy các hoạt động săn bắt bất hợp pháp.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nuôi_động_vật_hoang_dã http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201908/nuoi-do... http://cand.com.vn/doi-song/Nhung-an-hoa-tu-nuoi-n... http://giadinh.net.vn/thi-truong/nuoi-dong-vat-hoa... http://tapchimoitruong.vn/pages/article.aspx?item=... https://baohatinh.vn/kinh-te/gay-nuoi-dong-vat-hoa... https://dantri.com.vn/phap-luat/tang-hinh-phat-tu-... https://plo.vn/phap-luat/nguoi-dan-duoc-phep-nuoi-... https://suckhoedoisong.vn/canh-bao-moi-nguy-hai-tu... https://thanhnien.vn/thoi-su/nhap-nhem-muc-dich-nu...